Nuôi dê sau 5 tháng lãi 2 triệu đồng mỗi con
Dê là vật nuôi thoát nghèo và làm giàu ở Nghệ An
Ở địa bàn miền núi, nguồn thức ăn từ lá cây tự nhiên dễ kiếm, người nuôi hoặc cắt về cho dê ăn hoặc nuôi chăn thả, thi thoảng bổ sung thêm ngũ cốc để tăng nhanh trọng lượng cho dê. Ở trung du và đồng bằng, hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả cũng đem lại lợi nhuận cao. Không những người trẻ mà người cao tuổi cũng có hứng thú với loại vật nuôi này.
Theo tìm hiểu của PV, tại xóm Yên Hồng, xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương) có nhiều gia đình đầu tư chăn nuôi dê cho thu nhập ổn định. Hiện cả xóm có trên 500 con dê cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nguồn thức ăn của dê đa dạng, dễ kiếm
Dù năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Khát ở xóm Yên Hồng, xã Thanh Yên vẫn chăm sóc đàn dê trên 20 con. Bà Khát cho biết đã từng nuôi nhiều con vật nhưng con dê cho thu nhập cao nhất, chỉ mất ít vốn ban đầu khi mua dê giống. Nguồn thức ăn của dê đa dạng, từ cỏ, lá các loại như như xoan, mít, chuối, sung. Đây là những loại cây rất sẵn ở các vùng nông thôn. Giá dê thương phẩm tương đối ổn định, từ 120 - 160 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi yến (10kg) lãi ròng 600 - 700 nghìn đồng, sau 5 tháng, mỗi con dê lãi gần 2 triệu đồng.
Cũng như bà Khát, ông Bùi Văn Ngọ - một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi có đàn dê nhiều nhất xóm. Hiện tại gia đình ông đang nuôi 30 con, có thời điểm trên 50 con.
“Nuôi dê cần siêng năng chứ không tốn nhiều vốn. Muốn dê mau lớn đỡ bệnh tật, ngoài việc phải cho ăn thức ăn sạch, khô nước, tránh chăn thả vào lúc trời mưa, thi thoảng cho ăn một ít ngô lúa để dê tăng sức đề kháng và chóng lớn. Dê thường hay bị chướng bụng, bại liệt và một số bệnh lây nhiễm như long móng, lở mồm. Những lúc dê bị bệnh cần tách đàn và kiên trì chăm sóc. Chủ yếu bà con vẫn dùng một số loại thuốc Nam để chữa bệnh cho dê. Dê được bán tại chuồng chứ không phải đi chợ. Nhờ nuôi dê mà tôi đã tiết kiệm xây dựng được nhà cửa đàng hoàng”, ông Ngọ chia sẻ.
Tiến tới chăn nuôi hàng hóa
Ông Bùi Kim Nam, xóm trưởng xóm Yên Hồng cho biết: “Yên Hồng là xóm nhỏ có trên 100 hộ dân, ở sát bãi sông Lam có diện tích đồng cỏ lớn. Từ khi có phong trào nuôi dê ngoài đồng cỏ tự nhiên bà con đã tận dụng hết quỹ đất để trồng cỏ voi”. Từ một số hộ dân nuôi dê ban đầu theo chương trình hỗ trợ con giống của Hội Cựu chiến binh, đến nay, cả xóm đã có trên 80% hộ nuôi dê với tổng trên 500 con, bình quân mỗi hộ 5 con, nhiều hộ có từ 20 - 40 con, có thời điểm trên 50 con. Đây là nguồn thu nhập chính của người dân, mỗi năm cả xóm thu thêm được vài tỷ đồng.
Khách đến mua dê tận chuồng
Cũng theo ông Nam, trước đây, bà con chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh nên phong trào chăn nuôi dê trên địa bàn chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hoá. Những năm gần đây, huyện huyện Thanh Chương xác định việc phát triển chăn nuôi dê là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo ở địa phương và giao cho tổ chức Hội CCB triển khai thực hiện. Bên cạnh việc giúp nguồn vốn, huyện đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thú y và bà con cách phòng bệnh nên đàn dê đã phát triển nhanh hơn. Tại xã Thanh Yên, phong trào nuôi dê từ xóm Yên Hồng đã phát triển ra toàn xã.
Theo ông Lê Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, hiện tất cả các xóm đều có người nuôi dê, toàn xã có trên 2.000 con. Trong bối cảnh giá thịt lợn và trâu bò giảm mạnh thì dê vẫn là loại đặc sản giữ được giá. Dê thực sự là vật nuôi xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.
Theo tìm hiểu của PV, đàn dê cỏ ở Nghệ An chủ yếu là giống dê cỏ địa phương, trọng lượng xuất thịt thường dao động từ 20 - 30kg, tuy chậm lớn nhưng thịt săn chắc, thơm ngon, bán được giá, không sợ lỗ. Nông dân lâu nay vẫn ít nuôi các giống dê lai như Bách thảo. Đây là giống dê tăng trọng nhanh, trọng lượng lớn nhưng tỷ lệ mỡ cao, người tiêu dùng kén mua.
Cũng nhờ nuôi dê phát triển, nhiều người dân ở Thanh Chương đã trở thành những “đầu nậu” chuyên thu mua dê về bán lại, ăn chênh lệch giá. Nhiều người ăn nên làm ra nhờ “buôn ngồi”, “buôn đứng” dê thịt, dê giống.
Nhiều hộ đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi dê
Theo các tài liệu khoa học, dê cỏ địa phương thành thục sớm, tuổi phối giống lần đầu 6 - 7 tháng, đẻ 1,4 lứa/năm, bình quân 1,3 con/lứa. Dê cái mang thai trung bình 145 - 155 ngày là đẻ. Dê con lúc mới đẻ đến lúc cai sữa mất 3 tháng. Dê cỏ địa phương có chất lượng thịt thơm ngon, sinh sản nhanh, giá bán cao nên được khách hàng và người nuôi ưa chuộng.